Hiện có khoảng 600.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học – công nghệ sản xuất của các nước phát triển, được làm việc trong môi trường kỷ luật cao và tác phong chuyên nghiệp. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn nhân lực này chưa thực sự hiệu quả.
Muốn xuất khẩu lao động vì lương cao
Sau 5 năm đi làm việc tại Nhật Bản trở về nước dù có nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài tuyển dụng với mức lương khá hấp dẫn từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng nhưng anh Nguyễn Quốc Hưng (Thái Bình) vẫn chọn đi làm tại Nhật lần 2.
“Về quê không có việc làm phù hợp, đi làm ở Hà Nội, hay các tỉnh có khu công nghiệp như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên mức lương cao nhất cũng chỉ được 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này trừ chi phí ăn ở thì cũng không còn dư được nhiều để nuôi con ăn học và tiết kiệm. Trong khi đó nếu tôi sang Nhật Bản chăm chỉ làm thêm mỗi tháng cũng được từ 40 đến 50 triệu đồng. Vì vậy, tôi chọn đi Nhật thêm vài năm có thêm tích lũy rồi về quê nhà mở xưởng sản xuất”- anh Hưng chia sẻ.
Báo cáo quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động di cư cho thấy, hiện có hơn 560.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Nghiên cứu cho thấy, người Việt Nam ở nước ngoài có thể kiếm được mức lương cao hơn gấp ít nhất hai hoặc ba lần so với những người ở quê nhà, cấp số nhân này có thể còn cao hơn ở các nước tiếp nhận có thu nhập cao, chẳng hạn như Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự gia tăng đáng kể thu nhập này cho phép người lao động di cư gửi những khoản tiền lớn về nhà cho gia đình của họ. Ngay trong năm thứ hai của đại dịch, 18 tỷ USD kiều hối đã đổ vào Việt Nam vào năm 2021, chiếm khoảng 4,9% GDP. Khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường, dòng tiền gửi về dự kiến sẽ tăng 4,5% vào năm 2023.
Tìm giải pháp thu hút lao động trở về nước
Đánh giá về hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, bên cạnh việc đóng góp đáng kể vào thu hút ngoại tệ, lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả. Tuy nhiên thực tế việc tận dụng nguồn lực này chưa hiệu quả.
Nguyên nhân do phần lớn người lao động khó chấp nhận mức lương thấp so với làm việc ở nước ngoài. Vấn đề phổ biến khác mà người lao động di cư quay trở về gặp phải là sự không phù hợp về kỹ năng giữa những gì họ có và những gì doanh nghiệp cần, dẫn đến khó khăn cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể, đối với người lao động là việc tìm kiếm việc làm phù hợp trong nước, còn đối với người sử dụng lao động là tuyển người vào các vị trí tuyển dụng khẩn cấp.
Ở góc độ đơn vị kết nối nhân lực, trong đó có các thị trường nước ngoài, bà Đỗ Thùy Linh – Giám đốc tuyển dụng Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Work Link đánh giá, nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài về có lợi thế về vốn tiếng, cũng như hiểu biết về văn hóa, cách thức làm việc với người nước ngoài. Những yếu tố này sẽ giúp họ sớm hòa nhập được vào môi trường làm việc tại các công ty nước ngoài ở Việt Nam khi được tuyển dụng. Bà Linh cũng cho rằng, nhiều lao động có vốn tiếng cơ bản, giao tiếp tốt, kỹ năng lao động song lại thiếu hụt bằng cấp, chứng chỉ. Do đó, thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động nếu cố gắng bổ sung được các chứng chỉ này sẽ có lợi thế hơn khi về nước, cộng với ngoại ngữ và chuyên môn thì mức thu nhập sẽ tăng cao.
Trong năm 2022, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm cho nhóm lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước. Các phiên giao dịch việc làm đã thu hút sự tham gia của 258 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam, 1.115 người lao động EPS và 537 thực tập sinh đã tới phỏng vấn. Thông qua các phiên giao dịch việc làm đã có 387 người đạt sơ tuyển, 125 người trúng tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp.
Theo Lê Bảo – Nguồn Đại Đoàn Kết