Giáo viên đi xuất khẩu lao động: ‘Lương thấp, phải tự cứu lấy mình’

Không cổ xúy cho việc giáo viên bỏ nghề, ra nước ngoài bán sức lao động nhưng một độc giả cho rằng với mức lương bậc 4 trở xuống chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng, chuyện phải thay đổi để tìm công việc có thu nhập tốt hơn là điều dễ hiểu.

Sau khi đăng tải tuyến bài Giáo viên giỏi rời bục giảng, đi xuất khẩu lao động, báo VietNamNet nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ độc giả. Trong số này, có không ít thầy cô cũng từng đứng trên bục giảng, sau đó lại chấp nhận từ bỏ nghề, lựa chọn con đường xuất ngoại để mong có cơ hội đổi đời.

Độc giả Bùi Linh chia sẻ: “Mình ra trường với sự nhiệt huyết, từng đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh trong suốt 5 năm cống hiến với nghề. Nhưng 2 vợ chồng mình đều giáo viên, lương thấp, con hay ốm đau, bố mẹ già yếu, nhiều khi mệt mỏi vô cùng. Sau đó, mình đã quyết định nghỉ việc, đi nước ngoài đến nay được hơn 5 năm. Nhiều khi nghĩ lại, giá như mình quyết đoán đi sớm hơn thì tốt biết mấy”.

Không cổ xúy cho việc giáo viên bỏ nghề, ra nước ngoài bán sức lao động nhưng một độc giả cho rằng với lương giáo viên bậc 4 trở xuống chỉ khoảng 4 – 5 triệu đồng; lương thầy cô thâm niên gần 10 năm chưa đầy 10 triệu, chuyện phải thay đổi để tìm đến công việc có thu nhập tốt hơn cũng là điều dễ hiểu.

Theo độc giả, mức lương 4 -5 triệu chỉ đủ để giáo viên “tồn tại qua ngày”, không thể lo được những công việc khác. “Như tôi làm trong ngành giáo dục gần 40 năm, giờ đây về hưu mắc bệnh tật cũng không có điều kiện chữa trị đàng hoàng”, độc giả bày tỏ.

Đồng quan điểm, độc giả Lê Tùng cũng cho rằng khi áp lực công việc quá lớn, có nhiều ràng buộc mới được xem là hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống của gia đình và bản thân, việc phải chuyển đổi nghề là nhu cầu tự nhiên, chính đáng.

Độc giả Phúc Anh viết, dù lương giáo viên không thấp so với một số nghề nhưng vẫn không đủ sống. Mặc dù giáo viên thường bị “so bì” có 2 tháng nghỉ hè nhưng thực chất, trong thời gian đó, họ vẫn phải làm nhiều công việc chuyên môn. Không những vậy, giáo viên còn phải chịu áp lực tứ phía, từ học sinh, phụ huynh, xã hội.

“Cho nên, điều quan trọng là ngành giáo dục phải tìm cách giữ chân giáo viên. Nếu nghĩ người này nghỉ có người khác vào thay sẽ mất đi sự ổn định, chất lượng giáo dục vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng”, độc giả Phúc Anh viết.

Độc giả Tuấn Vũ nhìn nhận, ngoài nguyên nhân lương thấp, không đủ lo cho cuộc sống gia đình, còn nhiều nguyên nhân khác khiến giáo viên ngại không dám nói ra khi xin nghỉ việc.

Đó là môi trường làm việc không tốt, những áp lực, mệt mỏi từ chính phía nhà trường (như bệnh thành tích, chương trình liên tục thay đổi…), áp lực từ phụ huynh và học sinh thời nay có rất nhiều quyền, lúc nào cũng có thể đưa giáo viên lên mạng…

“Tôi cảm thấy mừng và ủng hộ vì có những giáo viên dám dũng cảm bỏ nghề để tự lo cho cuộc sống của họ”.

Theo độc giả Nguyễn Hoàng Duy, giáo viên cũng giống như rất nhiều người khác, làm việc để kiếm tiền lo toan cho bản thân và gia đình. Do đó, thu nhập cần tương xứng với trình độ và công sức giáo viên bỏ ra. Khi nhận được thu nhập cao, giáo viên cũng sẽ có trách nhiệm cao hơn với nghề, dịch vụ họ dành cho xã hội cũng tốt hơn. Do đó, điều quan trọng nhất chính là phải đảm bảo thu nhập cho giáo viên.

“Lương giáo viên hiện nay còn thua phụ hồ, thật chua chát. Thế nên, giáo viên phải tự cứu lấy mình cũng là điều dễ hiểu”, một độc giả bày tỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Lê Nam – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, nhận định nguyên nhân dẫn một số giáo viên nghỉ thôi việc theo nguyện vọng cá nhân là do chuyển sang làm việc khác phù hợp với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình (làm doanh nghiệp, đi xuất khẩu lao động hay chuyển đi dạy học ở ngoài tỉnh..).

Ngoài ra, một lý do khác là chế độ tiền lương và phụ cấp của giáo viên còn thấp, chưa đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình trong khi doanh nghiệp tư nhân có chế độ đãi ngộ cao với người lao động, đặc biệt có chế độ đãi ngộ cao với đội ngũ lao động chuyên môn cao, có kinh nghiệm…

Trong khi, khối lượng công việc tăng, yêu cầu của đối mới Giáo dục phổ thông, đòi hỏi thời gian thực hiện công việc ngày càng nhiều dẫn đến áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng lớn.

Trước thực trạng giáo viên nghỉ việc, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ sớm thực hiện cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng.

Sở cũng đề nghị các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp đối với lĩnh vực giáo viên; điều chỉnh định mức giáo viên, để không ảnh hưởng đến an sinh xã hội mà vẫn đảm bảo mục tiêu tinh giảm biên chế.

Trong báo cáo gửi các ĐBQH, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng GD-ĐT, cho biết đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.

Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.

Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn.

Từ đó, ông Sơn đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Ông cũng đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet

Giáo viên đi xuất khẩu lao động: ‘Lương thấp, phải tự cứu lấy mình’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển lên trên