Thời gian qua, tình trạng người lao động (NLĐ) Thanh Hóa làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn diễn ra, dẫn đến một số địa phương bị Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam – Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ muốn sang thị trường “tiềm năng” này làm việc.
“Quýt làm cam chịu”
Một ngày đầu tháng 10, theo chân công chức văn hóa – xã hội (phụ trách công tác lao động- thương binh và xã hội) xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa), chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Thế Đức, thôn Lê Lợi là lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc vừa mới trở về địa phương. Anh Đức cho biết: “Năm 2013, do vỡ nợ trong buôn bán hải sản nên tôi quyết định “xa xứ” đi XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc. Do khi đi phải vay mượn một khoản tiền lớn, sang nước sở tại làm chưa được bao lâu lại hết hạn hợp đồng nên tôi cứ lần lữa ở lại. Biết ở lại bất hợp pháp là sai, là vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng đến những lao động khác ở quê nhà muốn sang thị trường Hàn Quốc làm việc. Song, phần vì sức hút của đồng tiền, phần vì hùa theo bạn bè rồi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, không đặt được vé máy bay nên tôi cứ nấn ná đợi tết mới về, nhưng vợ con cứ điện thoại liên tục động viên, khuyên nhủ tôi về nước nên tôi đã quyết định trở về quê. Do vừa về nước nên tôi chưa kịp ra xã báo cáo với chính quyền địa phương về sự có mặt của mình nơi cư trú. Về nhà, nghe đài truyền thanh xã liên tục cập nhật thông tin tình hình lao động bất hợp pháp mới thấy mình thật ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho lợi ích cá nhân mà “tước” đi cơ hội của những người lao động khác muốn đi làm việc tại Hàn Quốc và ảnh hưởng đến địa phương mình sinh sống”.
Anh Nguyễn Thế Đức: “… nghe đài truyền thanh xã liên tục cập nhật thông tin tình hình lao động bất hợp pháp mới thấy mình thật ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho lợi ích cá nhân mà “tước” đi cơ hội của những người lao động khác muốn đi làm việc tại Hàn Quốc và ảnh hưởng đến địa phương mình sinh sống”. |
Không chỉ mình anh Đức nhận thức được mình ở lại lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc là sai nhưng vẫn cố tình làm trái quy định của pháp luật mà hiện nay vấn đề lao động Việt Nam nói chung, lao động Thanh Hóa nói riêng làm việc tại Hàn Quốc hết hợp đồng bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp hoặc lao động chuyển đổi nơi làm việc vì lý do không chính đáng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường Hàn Quốc và quan hệ hợp tác giữa lao động Việt Nam – Hàn Quốc. Theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước, tính đến ngày 30-6-2022, tỉnh Thanh Hóa còn 890 trên tổng số hơn 6.000 NLĐ đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Do có số lao động bất hợp pháp đông, nên năm 2022 Thanh Hóa có 2 huyện bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là Hoằng Hóa (125 lao động) và Đông Sơn (215 lao động). Điều đáng nói là 2 địa phương này từng bị tạm dừng tuyển nhiều năm. Việc này khiến cho khoảng trên 600 lao động ở 2 huyện đã tham gia học tiếng Hàn Quốc không được tham gia dự thi tiếng Hàn để dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.
Em Ngô Đình Thọ, ở xã Đông Phú, huyện Đông Sơn – người đang tham gia học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, chia sẻ: “Biết địa phương bị liệt kê vào danh sách bị tạm dừng tuyển lao động đi làm việc theo chương trình sử dụng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS) nhưng em vẫn quyết tâm tham gia học tiếng Hàn với mong muốn thi đỗ, có chứng chỉ tiếng Hàn và cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. Trước mắt, em sẽ nỗ lực học tiếng, khi có thể giao tiếp được cơ bản với người Hàn, tôi sẽ xin vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư của Hàn Quốc để có kinh nghiệm thực tế, khi sang Hàn Quốc làm việc không bị bỡ ngỡ”.
Còn em Nguyễn Hữu Tuấn, ở xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) đang tham gia lớp học tiếng Hàn Quốc được hơn 2 tháng lại mong muốn các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng có các biện pháp, giải pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp, tránh tình trạng “quýt làm cam chịu” mà chính bản thân đang phải “hứng chịu”.
Đâu là nguyên nhân?
Thị trường Hàn Quốc được nhiều NLĐ tỉnh Thanh Hóa lựa chọn bởi chi phí thấp, mức thu nhập cao. Do đó, nhu cầu lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ngày càng nhiều. Đặc biệt, từ khi đưa lao đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS thì lao động của tỉnh đi làm việc ở Hàn Quốc tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, số tiền NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc gửi về tỉnh chiếm 35% tổng số tiền mà lao động toàn tỉnh gửi về cho gia đình. XKLĐ theo chương trình EPS đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Đặc biệt, những làng, xã có NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc đã gửi tiền về gia đình, ủng hộ, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của địa phương. Đối với NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc được thụ hưởng những lợi ích rất lớn so với các thị trường khác từ thu nhập, chi phí đi, thời gian làm việc và môi trường làm việc đều rất tốt.
Hằng năm, số tiền NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc gửi về tỉnh chiếm 35% tổng số tiền mà lao động toàn tỉnh gửi về cho gia đình. XKLĐ theo chương trình EPS đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. |
Từng được xem là một trong những “điểm sáng” về XKLĐ, xã Đông Quang (Đông Sơn) hiện có số lượng người đi làm việc ở nước ngoài chiếm khá cao so với các xã khác trên địa bàn. Nhiều gia đình có tới 3 – 5 người đi XKLĐ, thậm chí có người đi đến 2, 3 lần. Từ nguồn tiền NLĐ gửi về, nhiều gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, nuôi dạy con ăn học. Tương tự, xã Hoằng Đông (Hoằng Hóa) – xã không có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế nên XKLĐ được xem là một kênh giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đông, cho biết: “Xã hiện có trên 220 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Nhiều gia đình có người thân đi XKLĐ đã mua đất, ô tô, xây nhà tầng, mở cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh, buôn bán… làm thay đổi rõ rệt bộ mặt vùng quê nghèo. Bên cạnh hiệu quả từ công tác XKLĐ cũng còn có những hệ lụy bởi sự ích kỷ, chỉ vì lợi ích cá nhân trước mắt mà nhiều lao động tìm đủ mọi cách để lại làm việc và cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự chênh lệch thu nhập giữa Việt Nam và Hàn Quốc quá lớn. Ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội của một bộ phận NLĐ chưa cao. Hơn nữa, một bộ phận doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp, trong khi chính sách xử phạt đối với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp và NLĐ bất hợp pháp chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc thực thi chế tài xử phạt đối với lao động bất hợp pháp không về nước của ta cũng gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả do lao động đang ở nước ngoài. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác XKLĐ và “tước” đi cơ hội của nhiều người khác muốn sang Hàn Quốc làm việc, gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều gia đình cũng như nguồn ngoại tệ gửi về cho địa phương. Nhiều lao động đã thi đậu tiếng Hàn phải chuyển sang làm các nghề khác như: công nhân tại các công ty giày da, may mặc, sửa chữa điện nước, điện lạnh, thợ xây, thờ hồ… để kiếm sống.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Đông: “Ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội của một bộ phận NLĐ chưa cao. Hơn nữa, một bộ phận doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp, trong khi chính sách xử phạt đối với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp và NLĐ bất hợp pháp chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc thực thi chế tài xử phạt đối với lao động bất hợp pháp không về nước của ta cũng gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả do lao động đang ở nước ngoài”. |
Và giải pháp…
Nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, các địa phương có nhiều lao động bất hợp pháp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; thành lập đoàn đến tận các hộ gia đình vận động để họ khuyên nhủ con em về nước; điện thoại trực tiếp cho lao động bất hợp pháp để vận động, phân tích những rủi ro, nguy cơ NLĐ phải đối mặt khi làm việc và cư trú bất hợp pháp; giải đáp những chính sách, quyền lợi của NLĐ về nước. Thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh xã tên tuổi những lao động đang làm việc, cư trú bất hợp pháp và những lao động sắp hết hạn hợp đồng để các gia đình nắm bắt, có trách nhiệm nhắc nhở, đốc thúc con em mình về nước đúng hạn…
Không chỉ xã Hoằng Đông mà nhiều địa phương trong tỉnh có số lao động bất hợp pháp cao đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động thân nhân có lao động bất hợp pháp.
Trước thực trạng nhiều địa phương bị dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc làm việc, phía Việt Nam đã thực hiện việc ký quỹ 100 triệu đồng đối với NLĐ trước khi xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Phía Hàn Quốc cũng đẩy mạnh việc kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp.
Nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 2 chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời chỉ đạo các các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; tình hình lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho NLĐ trước khi đi nước ngoài làm việc, đặc biệt là ý thức tổ chức kỷ luật và ý thức chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc HRD tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước tại 2 huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa. Đồng thời, phối hợp với 2 địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức tư vấn cho NLĐ, tổ chức các hội hội nghị để chuyển tải những nội dung của chương trình lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc; thông qua các tổ chức hội đoàn thể để tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên về chương trình đi lao động Hàn Quốc.
Cung cấp thông tin danh sách những lao động bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp và sắp hết hạn hợp đồng cho các huyện, thị xã, thành phố và chỉ đạo thông báo tên của lao động trên phương tiện truyền thanh cấp xã để gia đình vận động con, em về nước đúng thời hạn. UBND các huyện chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức cho thân nhân các gia đình có lao động đang sống bất hợp pháp và sắp hết hạn hợp đồng ký bản cam kết xác định trách nhiệm của gia đình NLĐ trong việc vận động người thân trở về nước. Phối hợp với cơ quan công an các cấp nắm bắt tình hình về công tác XKLĐ, ngăn chăn và giải quyết kịp thời những phát sinh trong công tác XKLĐ nói chung và XKLĐ đi Hàn Quốc nói riêng.
Lê Đình Tùng – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương và Xã hội
Gắn trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động con em cư trú bất hợp pháp trở về nước
Tính đến hết tháng 9, huyện Đông Sơn có 205/890 người lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Do có số lượng lao động bất hợp pháp khá đông, nên năm 2022 huyện Đông Sơn là 1 trong 2 huyện của tỉnh bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Để sớm ra khỏi danh sách “đen”, tạo cơ hội cho những lao động khác trên địa bàn có nhu cầu đi XKLĐ thị trường Hàn quốc, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn. Trong đó, tập trung tuyên truyền về Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông báo chính sách truy quét và ân xá đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10-3-2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép ở nước ngoài; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 28-4-2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước và lao động về nước đúng hạn theo quy định…
Mặt khác, huyện ban hành các văn bản giao nhiệm vụ cho ban chỉ đạo XKLĐ huyện, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Thành lập tổ tư vấn cấp xã để giúp UBND xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đến tận nhà các gia đình có người thân cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc để kêu gọi con em trở về nước. Tuyên truyền để Nhân dân và gia đình người lao động tích cực tham gia vận động người lao động chấp hành nghiêm túc pháp luật của Nhà nước và nước sở tại khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với các xã, thị trấn thực hiện niêm yết danh sách lao động cư trú bất hợp pháp và lao động hết hạn hợp đồng phải về nước tại UBND xã, nhà văn hóa thôn và thông báo trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn để Nhân dân cùng tham gia vận động lao động về nước theo quy định. Gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên có con em đang cư trú bất hợp pháp phải tuyên truyền, vận động lao động về nước… Với các giải pháp trên, tính đến hết tháng 9-2022 huyện Đông Sơn đã tuyên truyền, vận động được 32 công dân lao động bất hợp pháp về nước. Một số xã làm tốt công tác vận động là Đông Quang, Đông Khê, Đông Ninh…
Phạm Đình Điện – Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đông Sơn
“Con chưa về nước thì tôi chưa thể hết lo…”
Tôi có con trai đi xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS đã hết hạn hợp đồng từ năm 2019 nhưng đến nay chưa về nước mà ở lại lao động bất hợp pháp. Đã nhiều lần chính quyền địa phương cũng như các đoàn thể đến tuyên truyền, vận động gia đình động viên cháu về nước. Và, gia đình cũng đã thường xuyên gọi điện khuyên cháu về, nhưng cháu hứa cuối năm sẽ về nước vì nay đang là mùa làm ăn nên tranh thủ ở lại lao động kiếm thêm chút tiền để về hoàn thiện căn nhà, đồng thời có vốn “lận lưng” về quê làm kinh tế.
Chúng tôi vẫn biết thu nhập của con trong một năm ở bên Hàn Quốc bằng 5 – 7 năm làm việc ở quê nhà, nhưng tiền thì biết mấy cho đủ… Nhất là thời gian qua, gia đình tôi nghe thông tin trên báo, đài, mạng xã hội tuyên truyền rất nhiều về những rủi ro khi ở lại Hàn Quốc lao động bất hợp pháp, như: không được cơ quan pháp luật của Hàn Quốc bảo vệ quyền lợi khi có các vấn đề xảy ra trong quá trình lao động cũng như sinh sống. Mặt khác, người lao động bất hợp pháp không được hưởng bất cứ quyền lợi gì về y tế, an toàn. Nếu chẳng may ốm đau, tai nạn trong lúc làm việc hay đi lại, người lao động bất hợp pháp phải tự bỏ tiền ra chữa trị… Vì vậy, không chỉ những người thân ở nhà lo lắng mà con trai tôi cũng luôn trong tình trạng bất an, lo sợ sẽ bị cảnh sát bắt giữ, bị phạt và trục xuất về nước bất kỳ lúc nào. Do vậy, con có về nước thì chúng tôi mới hết lo lắng và mới thoải mái được. Hơn nữa, đứa con út trong gia đình cũng đang học tiếng Hàn, chờ anh về để có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Chu Huy Lý (Thôn Lê Lợi, xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa)