Mở cửa thị trường: Cơ hội cho lao động Việt

Theo các doanh nghiệp (DN), sau thời gian dài các thị trường tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng hiện rất lớn. Tuy nhiên, điều kiện nhập cảnh đưa ra khá chặt chẽ khiến cả DN và người lao động đều áp lực. Nếu thực hiện không nghiêm, DN có thể bị rút giấy phép bất cứ lúc nào.

Liên tiếp đơn hàng tuyển dụng

Trao đổi với PV, ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long cho biết, những ngày sau Tết, DN đang gấp rút dọn dẹp các phòng học và nơi lưu trú để quay trở lại đào tạo lao động, chuẩn bị giai đoạn mới đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Từ ngày 15/2, Đài Loan (Trung Quốc) chính thức mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam trở lại làm việc sau một thời gian dài bị gián đoạn. Còn với thị trường Nhật Bản, các DN nước này đang đồng loạt đề nghị Chính phủ Nhật sớm mở cửa trở lại.

“Các DN Nhật có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến y tế, xây dựng, chế biến thực phẩm… Từ năm nay, Nhật Bản chính thức mở rộng từ 66 lên 76 ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài nên cơ hội lớn cho lao động Việt Nam sang thời điểm này rất sáng”, ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, trở ngại lớn nhất đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài là điều kiện nhập cảnh hiện vẫn còn bị siết rất chặt. Chẳng hạn, phía Đài Loan yêu cầu thực tập sinh khi sang làm việc phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lên (loại của Mỹ hoặc châu Âu). Đồng thời, trước khi lên máy bay và sau khi nhập cảnh, lao động phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 tiếng và phải được cách ly riêng 1 người/phòng.

Ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Hiệp Hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài Nhật Bản (NAGOMI) có đơn đệ trình đến Chính phủ nước này thông báo cụ thể thời gian mở cửa nhập cảnh đi kèm theo các biện pháp phòng dịch; đồng thời đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ chi phí cách ly sau nhập cảnh cho người lao động… “Hiện đã có chữ ký của hàng nghìn thực tập sinh Việt Nam đề nghị mở cửa nhập cảnh trở lại. Những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật chữ kí của 200 hội viên và khoảng 60.000 thực tập sinh đã phỏng vấn trúng tuyển, đăng kí sang Nhật làm việc để chuyển đến NAGOMI đệ trình lên Chính phủ Nhật”, ông Diệp cho hay.

“Điều này gây áp lực cho DN cả hai nước, phải có cơ sở vật chất đầy đủ. Ngoài ra, nếu sang Đài Loan, lao động dính F0 nhà máy rất dễ bị đóng cửa. Trong mấy tháng đầu, chúng tôi dự kiến số lượng lao động xuất cảnh chưa nhiều. Trước mắt, DN tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, đáp ứng các điều kiện phía Đài Loan đưa ra, tránh tình trạng vừa mở cửa lại bị đóng”, ông Hưng chia sẻ.

Bà Trần Vân Anh, Tổng GĐ Công Ty Cổ phần Đầu tư và Nhân lực số 1 Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, DN đổ về các địa phương để tuyển dụng lao động. Các đối tác liên tục đặt đơn hàng với số lượng lớn, mở ra cơ hội hồi phục nhanh chóng cho các DN. Song, trước điều kiện nhập cảnh nghiêm ngặt, DN phải tổ chức quản lý và đào tạo nghiêm ngặt. “Cơ sở đào tạo có bộ phận xét nghiệm 24/7 trước cửa. Còn với người lao động, DN yêu cầu phải tăng tính kỷ luật, không được ra ngoài tùy tiện như trước”, bà Vân Anh cho hay.

18.000 lao động học xong… chờ xuất cảnh

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, trước nhu cầu về phục hồi kinh tế, các thị trường đang rục rịch mở cửa trở lại, nhưng điều kiện nhập cảnh đưa ra khá chặt chẽ.

Theo đó, để lao động xuất cảnh sang Đài Loan, DN cần có bảng kiểm tra kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 được đơn vị này xác nhận, và cam kết thực hiện theo phương án của Đài Loan.

Trường hợp tại cơ sở đào tạo của DN phát hiện 2 trường hợp lao động trở lên dương tính với COVID-19, phía bạn sẽ phỏng vấn người lao động (NLĐ) xem DN có thực hiện đúng theo bảng kiểm tra hay không. Nếu DN thực hiện không đúng sẽ bị tạm dừng cấp phép. Còn với NLĐ, trước khi lên máy bay phải được xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 (có hiệu lực trong 48 tiếng).

Với thị trường Nhật Bản, ông Hương cho biết, Chính phủ Nhật đang cân nhắc sẽ mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại vào đầu tháng 3. Hiện, Nhật Bản yêu cầu lao động nước ngoài phải tiêm 3 mũi vắc xin mới được nhập cảnh vào nước này, và giảm thời gian cách ly từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày.

Mối quan tâm của NLĐ hiện là chi phí cách ly ở 2 đầu. Đến nay, Nhật Bản và Đài Loan thống nhất sẽ chi trả khoản này đối với các lao động diện visa kỹ sư, du học sinh, người công tác… Còn với thực tập sinh, các bên chưa có quyết định cụ thể và khoản này sẽ do DN thỏa thuận với NLĐ.

“Hiện có khoảng 18.000 lao động Việt Nam đã học xong nhưng chưa thể xuất cảnh, trong đó có 7.000 lao động đã xin được tư cách lưu trú, có lịch bay nhưng chưa thể sang làm việc. Cục đang làm việc với các đơn vị để sớm đưa những lao động này xuất cảnh, giảm bớt áp lực cho NLĐ”, ông Hương cho hay.

Theo Dương Hưng/TPO

Mở cửa thị trường: Cơ hội cho lao động Việt
Chuyển lên trên