Xuất ngoại bằng con đường học nghề

Học nghề để xuất ngoại là con đường đang có nhiều bạn trẻ lựa chọn. Những người đưa ra lựa chọn này kỳ vọng việc xuất ngoại sẽ giúp cho họ thay đổi tương lai. Nắm bắt thực tế này, các trường cao đẳng nghề, các công ty, trung tâm xúc tiến xuất khẩu lao động đã vào cuộc…

Ngay cả khi không xuất ngoại được như kế hoạch ban đầu, sinh viên tham gia những chương trình đào tạo này cũng có kỹ năng lao động, kỹ năng mềm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong nước một cách tốt hơn.

* Con đường đến Đức – thêm một hướng đi mới

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) vừa khai giảng khóa đào tạo trung cấp nghề cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức. Khóa đào tạo thuộc khuôn khổ chương trình Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển (PAM). Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, các học viên còn được đào tạo tiếng Đức và văn hóa Đức.

Sau khi tốt nghiệp, 25 học viên sẽ được chọn đi xuất khẩu lao động tại Đức. Điều đặc biệt là học viên được miễn toàn bộ học phí của khóa học; ngoài ra, các em còn được nhận học bổng 39 euro/tháng đối với nam, 79 euro/tháng đối với nữ. Sau khi đưa đợt học viên đầu tiên này sang Đức, hai bên sẽ cùng đánh giá lại hiệu quả của chương trình để đưa ra định hướng tiếp theo.

Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom) đã ký kết hợp tác đào tạo với Học viện Taiken (Nhật Bản) từ năm 2014. Theo đó, hằng năm, trường sẽ đưa học sinh tốt nghiệp của trường sang tiếp tục học nâng cao tại Học viện Taiken trong thời gian là 2,5 năm. Các du học sinh được ăn ở tại ký túc xá của trường. Sau khi tốt nghiệp, du học sinh sẽ được giới thiệu việc làm hoặc đăng ký thi tuyển và học lên đại học tại Nhật Bản. Tính đến nay, trường này đã có hơn 100 học sinh, sinh viên sang làm thực tập sinh tại Taiken.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, học viên của khóa học chia sẻ: “Ban đầu, tôi có chút lưỡng lực khi chọn ngành cơ khí vì nghĩ rằng sẽ có nhiều khó khăn, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì thấy chương trình học hoàn toàn không quá sức với nữ. Đa số các học phần đều thực hiện với máy móc hiện đại nên không nặng nhọc như tôi nghĩ. Vì vậy, tôi chọn khóa học và hy vọng nhờ đó mà có thể tiến xa hơn trong công việc, mở rộng tương lai. Tôi sẽ cố gắng học tốt để được đi Đức”.

Cũng cùng chung mong muốn như chị Hiền, anh Lê Huy Thành Đạt quan niệm: “Lựa chọn học cao đẳng nghề vẫn có thể liên thông lên đại học. Tôi lựa chọn học trong chương trình PAM vì thấy chương trình rất bổ ích, giúp tiết kiệm chi phí trong thời gian học và lại có cơ hội xuất khẩu lao động sang Đức. Tôi đặt mục tiêu nằm trong tốp 25 học viên được đi Đức và nằm trong tốp 10 học viên có tay nghề cao nhất. Đây là môi trường cạnh tranh công bằng nên chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vì vậy tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều”.

TS Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho hay, đây là khóa đào tạo đầu tiên trong chương trình PAM. Những học viên được lựa chọn sang làm việc tại Đức sẽ được doanh nghiệp công nhận như một lao động Đức đã qua đào tạo nghề mà không cần đào tạo lại. Sau 2 năm, nếu làm tốt thì người lao động sẽ được tái ký hợp đồng và có cơ hội định cư lâu dài tại Đức. “Trong trường hợp các bạn trở về Việt Nam thì cũng sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực có kỹ năng tốt theo chuẩn quốc tế cho thị trường lao động trong nước” – ông Trung khẳng định.

Cũng theo ông Trung, hiện chương trình PAM tại Việt Nam mới chỉ dừng ở mức thí điểm với 50 học viên đầu tiên này. Sau khi kết thúc khóa đào tạo và đưa lao động sang Đức thành công thì hai bên mới đánh giá lại hiệu quả để đề ra phương hướng tiếp theo.

* Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang “khát” lao động xuất khẩu

Hiện nay, thị trường lao động Nhật Bản vẫn đang “khát” lao động Việt Nam xuất khẩu. Những ngành nghề mà doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu nguồn nhân lực cao là: điều dưỡng, xây dựng, công nghệ ô tô, cơ điện, thực phẩm, nhà hàng khách sạn.

Thay vì tuyển lao động tự do tại các công ty chuyên dịch vụ xuất khẩu lao động, các đối tác Nhật Bản mong muốn tìm kiếm lao động tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Theo đó, học viên trường nghề vừa học nghề, vừa tham gia các khóa đào tạo Nhật ngữ, văn hóa Nhật để chuẩn bị cho xuất khẩu lao động. Những lao động này thường được đối tác Nhật Bản đánh giá cao. 

Anh Phạm Đức Tiến là học viên trung cấp nghề công nghệ thông tin tại Trường cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc (tỉnh Bình Dương). Khi Công ty TNHH Điểm đến Mặt trời mọc (TP.Biên Hòa) mở lớp đào tạo tiếng Nhật để xuất khẩu lao động tại trường, anh Tiến đã không ngần ngại tham gia khóa học này. Ngay từ đầu, Tiến xác định sẽ học nghề để sang Nhật làm việc nhằm sớm giúp đỡ gia đình.

Hiện nay, anh đã đậu vòng phỏng vấn với thời hạn hợp đồng 3 năm. Anh Tiến đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục để đến Nhật Bản vào tháng 7 tới đây. Theo thông tin phía doanh nghiệp cung cấp, thu nhập của những lao động như anh Tiến thường dao động từ 30-40 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí sẽ còn dư khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng trở lên.

Đối với các lao động có bằng cao đẳng và có trình độ tiếng Nhật từ N3 trở lên thì có thể tham gia phỏng vấn diện kỹ sư. Khi đó, mức lương sẽ được hơn 50 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập chưa tăng ca.

“Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy mạnh tuyển dụng kỹ sư, đặc biệt là kỹ sư xây dựng, kỹ sư ô tô. Khi các bạn học xong cao đẳng có bằng cấp cao đẳng, bảng điểm tốt nghiệp kèm theo bằng tiếng Nhật JNPT N4 trở lên thì có thể tìm kiếm cho mình một vị trí việc làm kỹ sư với mức lương cao và nhiều chính sách tốt” – ông Trương Anh Minh, Phó giám đốc Công ty TNHH Điểm đến Mặt trời mọc cho biết.

Chi phí thấp, đi an toàn, công việc đảm bảo, có cơ hội tiếp tục gia hạn hợp đồng là những ưu điểm và thuận lợi mà các học viên, sinh viên trường nghề có được khi lựa chọn xuất khẩu lao động.   

Theo Hải Yến/Báo ĐN

Xuất ngoại bằng con đường học nghề
Chuyển lên trên