Trang bị sổ tay sức khỏe điện tử trước khi xuất khẩu lao động

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab; thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức cuộc họp chuyên đề giới thiệu sổ tay sức khỏe dành cho người lao động làm việc ở nước ngoài.

Sổ tay này sẽ giúp người lao động chuẩn bị tốt trước khi xuất cảnh, bao gồm cả về ngôn ngữ và định hướng sức khỏe, cải thiện khả năng tiếp cận của lao động di cư Việt Nam với những thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và trong tình trạng khẩn cấp y tế công cộng nói riêng.

Giải quyết triệt để các vấn đề sức khỏe

Chia sẻ về sổ tay sức khỏe, bà Trần Thị Tuyết Lương, cán bộ Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư của IOM Việt Nam cho biết, nhiều người lao động làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế. Chẳng hạn, nhiều người không biết sử dụng thẻ BHYT đúng cách, nhiều trường hợp phải trả khoản chi phí chênh lệch do đến cơ sở y tế sai tuyến…  

Trang bị sổ tay sức khỏe tử tước khi xuất khẩu lao động -0
Sổ tay sức khỏe ra đời được xem là chỗ dựa cho người lao động làm việc ở nước ngoài

Theo bà Lương, người lao động sang các nước này có độ tuổi trẻ dưới 30 tuổi, thiếu kiến thức sinh sản, vẫn giữ thói quen mua thuốc không theo đơn… Do đó, Sổ tay sức khỏe dành cho người lao động làm việc ở nước ngoài là rất cần thiết; cung cấp thông tin sử dụng BHYT, xử lý khi ốm đau hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, chi phí khám sức khỏe thế nào, giành quyền lợi khi gặp tai nạn lao động.

“Sổ tay lưu ý người lao động bảo đảm sức khỏe khi thời tiết giao mùa, xử trí khi mắc bệnh truyền nhiễm… Không chỉ vậy, Sổ tay sẽ được cập nhật theo hướng trình bày song ngữ, sử dụng các câu hỏi và câu trả lời ngắn, hình ảnh bắt mắt, phát hành theo bản live handbook (sách điện tử)”, bà Lương cho hay.

Theo Dolab, việc bảo đảm khả năng đáp ứng các nhu cầu về sức khỏe cho người lao động di cư, nhất là vào các giai đoạn khủng hoảng như đại dịch Covid-19 là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia đưa nhiều lao động ra nước ngoài như Việt Nam.

Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Dolab cho biết, sổ tay được lấy ý kiến từ góp ý của các cơ quan chuyên môn của 3 nước Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như người lao động đang làm việc tại nước ngoài. Nội dung sổ tay sẽ cung cấp thông tin cần thiết, cô đọng nhất về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc và sẽ được phát cho người lao động trước khi xuất cảnh làm việc ở nước ngoài.

Cần chính sách đưa sổ tay tới đông đảo người lao động

Cũng theo ông Dũng, cuộc nghiên cứu đã chỉ ra sự cần thiết của việc chuẩn bị tốt trước khi xuất cảnh, bao gồm cả về ngôn ngữ và định hướng sức khỏe, cải thiện khả năng tiếp cận của lao động di cư Việt Nam với những thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và trong tình trạng khẩn cấp y tế công cộng nói riêng.

Những thông tin về việc bảo đảm sức khỏe tại nước ngoài, những kiến thức về hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước sở tại hay những cách để bảo vệ sức khỏe trong tình trạng khẩn cấp y tế công cộng là đặc biệt quan trọng.

Việc cho ra đời cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế khỏe thân thiện với người di cư, các video về hệ thống chăm sóc sức khỏe, cùng các nội dung liên quan khác về nâng cao sức khỏe cho lao động di cư tại nước ngoài là một công cụ hữu hiệu hỗ trợ việc cung cấp thông tin y tế chính xác cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Bên cạnh cuốn số tay trên, ông Dũng mong muốn các doanh nghiệp sẽ có những hình thức truyền tải, phương thức phát hành cuốn sổ tay hiệu quả, gần gũi tới người lao động.

Còn theo chuyên gia sức khỏe Aiko Kaji, nghiên cứu cho thấy thực tế điều kiện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và việc tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động ở nước ngoài chưa đã được chú ý; việc chuẩn bị ngôn ngữ, định hướng vấn đề sức khỏe cho lao động di cư cũng được doanh nghiệp quan tâm… Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại như một số nội dung đào tạo sức khỏe trước khi người lao động xuất cảnh chưa thực sự được đưa chú ý.

Đánh giá sổ tay trên, một số doanh nghiệp đưa ý kiến rằng, các đối tượng lao động như thuyền viên tàu cá, giúp việc gia đình cần có nội dung đặc thù riêng; thay vì in ra cẩm nang thì cần đẩy mạnh bản PDF, live handbook…

Theo các chuyên gia, để đưa sổ sức khỏe điện tử tới từng người lao động các cơ quan liên quan, cần phải có những hướng dẫn cụ thể đối với từng người. Ngoài các chính sách khuyến khích, việc sử dụng ứng dụng này cần được xem xét như một điều kiện xuất cảnh đối với những lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặt khác, để tiếp tục hoàn thiện sổ tay, Chính phủ cần đẩy mạnh công tác ngoại giao nhằm cung cấp thông tin về các cơ sở y tế tại nhiều quốc gia chứ không dừng lại tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tổng Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết, Việt Nam là nước xuất cư. Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng năm, số kiều hối chuyển về trong nước ước đạt 3 – 4 tỷ USD. Từ 2015 đến 2019, mỗi năm có trên 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2019 là trên 152.000 người); trong đó, các thị trường truyền thống và trọng điểm là Nhật Bản (250.000 lao động), Đài Loan (230.000 lao động), Hàn Quốc (40.000 lao động) và Malaysia (10.000 lao động). Riêng thị trường Nhật Bản và Đài Loan chiếm trên 90% lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Tùng Dương/DBND

Trang bị sổ tay sức khỏe điện tử trước khi xuất khẩu lao động
Chuyển lên trên