Mở ra cơ hội thoát nghèo
Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017 – 2021, Thanh Hóa có trên 42.000 lượt lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện tại, Thanh Hóa đang có hơn 32.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông. Hằng năm, khoảng 120 – 150 triệu USD (tương đương 2.760 – 3.450 tỉ đồng) được người lao động tỉnh Thanh Hóa ở nước ngoài gửi về gia đình.
“Hộ nghèo có người đi làm việc ở nước ngoài cơ bản đã thoát nghèo và có hướng phát triển vươn lên làm giàu”, ông Tùng cho biết.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Tùng cho biết, Thanh Hóa phải đối mặt với tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hết hợp đồng thì bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam.
Thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), đến cuối tháng 6/2022, vẫn còn 890 trong tổng số hơn 6.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc đang cư trú trái phép. Do tỉ lệ lao động hết hợp đồng, ở lại trái phép tại Hàn Quốc còn cao, nên năm 2022, Thanh Hóa vẫn còn 2 huyện (Hoàng Hóa và Đông Sơn) nằm trong danh sách tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (trước đó, TP Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn từng bị Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận người lao động).
Theo ông Lê Đình Tùng, do chênh lệch thu nhập của việc làm ở nước ngoài và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí cao hơn) nên nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi về nước còn khó khăn, nhiều gia đình chưa quyết liệt trong khuyên nhủ người thân tuân thủ pháp luật; một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền lao động về nước… khiến tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của một số địa phương còn cao.
Đâu là giải pháp?
Để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi hết hợp đồng, tỉnh Thanh Hóa triển khai các phiên giao dịch việc làm cho lao động về nước đúng hạn, giới thiệu vào làm việc tại doanh nghiệp có trình độ tay nghề phù hợp.
Tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời có chế tài, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, không bảo vệ quyền lợi của lao động khi đi nước ngoài.
Theo ông Lê Đình Tùng, Thanh Hóa sẽ kiến nghị, đề xuất trung ương, các cấp ngành xây dựng cơ chế bảo lãnh người đi làm việc ở nước ngoài, ký quỹ với người lao động và khuyến khích họ về nước đúng hạn khi hết hạn hợp đồng. Trường hợp ở lại quá hạn sẽ bị xử phạt nghiêm.
Còn ông Nguyễn Văn Nam, lãnh đạo một công ty chuyên đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản chia sẻ, để tránh lao động bỏ trốn ra ngoài, doanh nghiệp cần tư vấn, hỗ trợ khám sức khỏe, ăn ở, thường xuyên tháo gỡ khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống ở nước ngoài để người lao động yên tâm.
Tuy vậy tình trạng lao động bỏ trốn ở công ty này cũng khoảng 1%/năm, tập trung tại lĩnh vực xây dựng. Nguyên do là bất đồng ngôn ngữ giữa chủ – thợ, bị người làm cùng hoặc quản lý đánh đập, mạt sát, bạo ngôn dẫn đến sợ hãi, bất an. “Khi họ bất an, không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời thì sẽ bỏ trốn ra ngoài”, ông Nguyễn Văn Nam cho hay.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, điểm yếu của lao động Việt Nam còn là ngoại ngữ vì trước khi đi, họ mới được đào tạo 3 – 6 tháng, ở mức làm quen. Doanh nghiệp nên quan tâm, động viên họ khắc phục, song song với hòa nhập văn hóa, khí hậu ở nước ngoài để tránh việc lao động bỏ ra ngoài làm, cư trú bất hợp pháp.
“Theo quy định của Nhật Bản, người lao động làm việc bất hợp pháp không được hưởng bất cứ quyền lợi y tế, an toàn và hoàn toàn gánh chịu rủi ro, tại nạn lúc làm việc, đi lại, đồng thời không được nhận tiền bồi thường”, ông Nguyễn Văn Nam cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Năm 2022, có 8 địa phương thuộc 4 tỉnh bị tạm dừng tuyển lao động làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS). Đó là huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Nguyên nhân là các địa phương này có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên, tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Việc tạm dừng tuyển chọn không áp dụng đối với lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian miễn xử phạt.
“Những người lao động phá bỏ hợp đồng rồi cư trú bất hợp pháp ở lại Hàn Quốc đa phần vì lợi ích cá nhân. Sự ích kỷ của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến hợp tác chung giữa Việt Nam – Hàn Quốc mà còn những người lao động khác tại địa phương. Việc này tước đi cơ hội của các thanh niên muốn đi làm việc tại Hàn Quốc. Qua thực tế, chúng tôi thấy nhiều trường hợp cư trú, làm việc bất hợp pháp bị những người sử dụng lao động đối xử rất là tệ mà không dám nói, hoặc không có ai đứng ra bảo vệ. Cơ quan chức năng luôn khuyên người lao động nên đi theo chương trình của Hàn Quốc tổ chức. Nước này đã có những chính sách rất cởi mở dành cho những người lao động chấp hành đúng hợp đồng cũng như pháp luật của Hàn Quốc”, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.
Để hạn chế lao động đi làm tại nước ngoài bỏ trốn, cư trốn bất hợp pháp, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, giải pháp đầu tiên là tuyển chọn, đào tạo lao động thật kỹ trước khi đi; Tiếp đó là công tác hỗ trợ người lao động, cũng như quản lý người lao động đảm bảo đầy đủ, kịp thời để họ yên tâm làm việc. Cuối cùng là thúc đẩy người lao động tự nâng cao trình độ khi làm việc tại nước ngoài.
XM – Nguồn Tin Tức TTXVN