Là yếu tố tiền đề, cũng là vấn đề cốt lõi đi đến thành công của hoạt động XKLĐ, khâu tuyển chọn người lao động trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm. Sự ra đời của một kênh tuyển dụng online đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho cả ba bên (doanh nghiệp tuyển dụng – doanh nghiệp XKLĐ – người lao động) hứa hẹn sẽ tạo ra một bước đột phá cho lĩnh vực XKLĐ.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Trong quy trình tổ chức hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, khâu quan trọng và khó khăn nhất đối với doanh nghiệp XKLĐ là tuyển chọn được những người lao động đủ điều kiện theo Hợp đồng cung ứng lao động ký với đối tác nước ngoài. Trong một số trường hợp do đối tác nước ngoài yêu cầu thời gian gấp, doanh nghiệp không chuẩn bị kịp nguồn lao động để họ sang tuyển chọn mà hai bên phải hủy bỏ hợp đồng cung ứng lao động, đối tác chuyển sang nhận lao động quốc gia khác. Đây là điều rất đáng tiếc cho doanh nghiệp XKLĐ và người lao động Việt Nam.
Qua tổng kết thực tiễn hoạt động XKLĐ tại các doanh nghiệp, chúng ta có thể rút ra quy trình tổ chức tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm một số bước công việc như sau:
Bước 1. Tổ chức tạo nguồn lao động:
Căn cứ kế hoạch XKLĐ của doanh nghiệp và yêu cầu của đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp XKLĐ tiếp cận để tạo nguồn lao động theo một số phương thức phổ biến như sau:
- Tổ chức hội thảo để tư vấn tại địa phương: Theo phương thức này, doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương hoặc tổ chức chính trị – xã hội để tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền tại địa phương. Đây là phương thức khá phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng cách đây khoảng 10 năm, phù hợp với các thị trường nhận số lượng lớn lao động phổ thông, kể cả lao động có nghề như Malaysia, Đài Loan, Libya, Trung Đông… Tuy nhiên, hiện hay, chỉ còn một số ít doanh nghiệp áp dụng phương thức này do đi lại vất vả, tốn kém, hiệu quả hạn chế.
- Hợp tác, liên kết với các trung tâm giới thiệu việc làm, các trường thuộc hệ thống giáo dục và dạy nghề, các cơ sở sản xuất: Đây hiện đang là cách làm phổ biến của nhiều doanh nghiệp XKLĐ. Phương thức này phù hợp với thị trường Nhật Bản và với các hợp đồng cung ứng lao động có nghề. Theo phương thức này, doanh nghiệp XKLĐ có thể tạo được nguồn lao động để tuyển chọn với chất lượng tốt hơn về tay nghề và ý thức tổ chức, kỷ luật.
- Thông qua các phương tiện truyền thông: Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp XKLĐ đều tận dụng phương thức này để giới thiệu về doanh nghiệp mình, nhu cầu tuyển lao động, các hợp đồng cung ứng lao động đi các thị trường.v.v… tại website của Công ty trên mạng internet, trên các báo hoặc trên các đài phát thanh – truyền hình của địa phương.
- Thông qua các đầu mối nguồn lao động tại địa phương: Trong một vài năm gần đây, phương pháp tạo nguồn lao động này đang được khá nhiều các doanh nghiệp XKLĐ áp dụng để tạo nguồn lao động xuất khẩu đi hầu hết các thị trường. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí trả cho đầu nguồn khá cao dẫn đến thu nhập của doanh nghiệp giảm đi đáng kể.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp XKLĐ có thể được cung cấp nguồn lao động thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23/5/2014 của Chính phủ.
Bước 2. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động:
Công tác nêu trên được quy định cụ thể, rõ ràng tại Chương IV, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và trong các Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật của Bộ LĐ-TB và XH.
Các doanh nghiệp XKLĐ quan tâm, chú ý làm tốt công tác này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro phát sinh sau khi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc do trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động tiếp tục sàng lọc, loại bỏ các trường hợp người lao động thiếu ý thức tổ chức kỷ luật hoặc tham gia XKLĐ với mục đích khác.
Bước 3. Phối hợp với đối tác tuyển chọn lao động:
Ngoại trừ một số trường hợp đối tác nước ngoài tuyển chọn lao động qua form, còn lại đa số đều trực tiếp sang Việt nam tuyển chọn lao động. Trường hợp thị trường Nhật Bản thì 100% các nghiệp đoàn Nhật Bản sang Việt Nam trực tiếp thuyển chọn thực tập sinh kỹ năng theo Hợp đồng cung ứng TTS ký với tổ chức phái cử Việt Nam.
Cần một sân chơi chung minh bạch
Nhìn lại tổn thể quy trình tuyển chọn người lao động xuất khẩu ra nước ngoài, có một thực tế không thể phủ nhận là công tác tạo nguồn lao động đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là tiền đề để doanh nghiệp XKLĐ có được lực lượng lao động đảm bảo chất lượng đưa đi làm việc ở nước ngoài. Vấn đề đặt ra là cần có một sân chơi chung, nơi đó các doanh nghiệp đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển lao động theo các hợp đồng cung ứng lao động, đó cũng là nơi người lao động có nhu cầu XKLĐ tìm thấy các thông tin chính xác, cần thiết cho mình để lựa chọn, đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực này có thể tìm được các thông tin hữu ích phục vụ cho việc tuyển dụng lao động cho tổ chức của mình hoặc giải quyết việc làm cho lực lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp các khóa đào tạo trong các nhà trường. Sự ra đời của website mang tên Vietjob chắc hẳn cũng bắt nguồn từ nhu cầu thiết yếu ấy.
Được biết đến như là một kênh online đầu tiên tạo ra sân chơi chung nêu trên trong lĩnh vực XKLĐ, Vietjob hứa hẹn sẽ tạo ra một sự đột phá cho hoạt động xuất khẩu lao động với tiêu chí đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu. Vietjob đồng thời sẽ là cầu nối gắn kết người lao động với doanh nghiệp tuyển dụng và cả doanh nghiệp XKLĐ. Tại đây, các doanh nghiệp XKLĐ có thể đặt Logo để quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp mình, đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài; người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài có thể đăng ký tham gia XKLĐ phù hợp với khả năng, sở trường, tay nghề của mình để đến trực tiếp các doanh nghiệp XKLĐ mà không cần qua bất kỳ khâu trung gian, môi giới nào. Hy vọng trong thời gian tới Vietjob sẽ góp phần đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp XKLĐ, cho người lao động và cho sự nghiệp XKLĐ tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam