Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ thông qua các kênh phù hợp đề nghị các nước và lãnh thổ sở tại khi tiến hành tiêm chủng cho người dân, quan tâm cả việc tiêm chủng cho người lao động Việt Nam đang làm việc và số lao động đã hết hạn hợp đồng chờ về nước.
Quan tâm tiêm vaccine cho lao động
Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, trong những năm qua, Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh và lao động Việt Nam sang làm việc. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đã có hàng vạn lao động Việt Nam tại hai thị trường này hết hạn hợp đồng lao động nhưng không thể về nước. Đến nay, một phần trong số này được chủ sử dụng lao động tạm thời bố trí tiếp công việc và cung cấp nơi ăn ở, phần còn lại tuy được gia hạn cư trú nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Qua theo dõi thông tin, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhận thấy tại một số nước châu Á, trong đó có Nhật Bản và lãnh thổ Đài Loan, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đang được thực hiện mạnh mẽ nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ thông qua các kênh phù hợp đề nghị các nước và lãnh thổ sở tại khi tiến hành tiêm chủng cho người dân, quan tâm cả việc tiêm chủng cho người lao động Việt Nam đang làm việc và số lao động đã hết hạn hợp đồng chờ về nước. Khi số người lao động hết hạn hợp đồng chờ về nước đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ, giao cho các cơ quan hữu quan tổ chức các chuyến bay để đưa họ về nước.
Những năm qua, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 34.912 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó 2 thị trường tiếp nhận chính vẫn là Nhật Bản (với 18.355 lao động) và Đài Loan (với 15.055 lao động).
Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, thị trường Nhật Bản đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ tháng 2.2021, số người đi chủ yếu đã có visa từ trước và phải qua các biện pháp phòng dịch rất nghiêm ngặt. Còn thị trường Đài Loan vẫn có nhu cầu cao về lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang Đài Loan cơ bản vẫn duy trì được hoạt động của mình.
Doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm biện pháp chống dịch
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có công văn yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, chính quyền sở tại và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Công điện 02/CĐ-LĐTBXH ngày 28.4.2021 khi tổ chức xuất cảnh cho người lao động, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các các quy định, quy chế về phòng, chống dịch.
Trong quá trình tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền sở tại, bao gồm yêu cầu 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; duy trì khoảng cách an toàn theo quy định; khuyến khích tổ chức tuyển chọn, đào tạo thông qua hình thức trực tuyến.
Khi tổ chức xuất cảnh cho người lao động, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các các quy định, quy chế về phòng, chống dịch và quán triệt cho người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
Trong trường hợp ghi nhận thông tin người lao động xuất cảnh bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, doanh nghiệp phải chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động được khám, cách ly, chữa bệnh theo quy định sở tại; báo cáo ngay với cơ quan chức năng địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nơi người lao động thường trú để phối hợp và có biện pháp xử lý y tế phù hợp; đồng thời báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước để phối hợp, theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chủ động rà soát cán bộ, nhân viên đang làm việc tại đơn vị và người lao động đang tham gia quá trình đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đặc biệt là những người từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hoặc đến các địa điểm vào thời gian có khả năng lây nhiễm Covid-19 theo thông báo của Bộ Y tế, để có biện pháp xử lý y tế phù hợp.
Theo Đại Biểu Nhân Dân