Nỗi day dứt của thầy giáo đi xuất khẩu lao động, lâm vào cảnh tù đày ở xứ người

Là giáo viên có thâm niên 10 năm, anh Đức vẫn xin nghỉ để sang Australia lao động dưới danh nghĩa đi du học. Tuy nhiên, ước vọng đổi đời của anh đã không thành hiện thực.

Vừa qua, trên báo VietNamNet đăng tải tuyến bài học sinh giỏi từ chối vào đại học, đổ xô đi xuất khẩu lao động. Thực trạng không chỉ xảy ra với học sinh, ngay cả những giáo viên đã vào biên chế nhà nước vẫn từ bỏ nghề, lựa chọn con đường xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Nhiều người may mắn có thu nhập cao nhưng cũng không ít thầy cô lâm cảnh bi đát, trả giá đắt khi lựa chọn con đường này… VietNamNet xin giới thiệu bài 3 của tuyến Giáo viên giỏi rời bục giảng đi xuất khẩu lao động, mời độc giả đón đọc.

Chi tiền tỷ tìm đường xuất ngoại

Anh Toàn (50 tuổi, quê ở một huyện ven biển miền Trung), từng là giáo viên dạy môn Thể dục. 13 năm trước, anh xin nghỉ việc, sang Australia lao động.

Năm 2019, anh trở về quê hương với tiền tỷ trong tay, hiện anh làm cầu nối cho những người có ý định đi các nước như Australia, Mỹ, Canada, Hàn Quốc…

Đích đến của nhiều người là Australia bởi thị trường này có mức thu nhập đầy hứa hẹn. “Hiện nay, xuất ngoại theo con đường visa du học rất khó khăn bởi điều kiện cần là chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên. Vì thế mọi người hay đi theo diện visa du lịch, chi phí từ 20.000- 25.000 USD tùy thuộc vào các “cò” báo giá”, anh Toàn cho biết.

Giáo viên có công việc ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội là điều kiện chứng minh họ sẽ quay về Việt Nam để làm việc nên tỉ lệ đậu visa du lịch thường cao so với các đối tượng khác.

Anh Toàn có người bạn là giáo viên môn Sinh học tại một trường THPT, tìm đường sang Australia theo dạng kết hôn giả với người bản địa.

Ban đầu, anh này xin nghỉ việc, sang Australia theo diện du học lên thạc sĩ, thời gian lưu trú là 2,5 năm. Sau đó, vợ chồng họ bàn nhau thuận tình ly hôn, nhờ “cò” tìm đối tượng để kết hôn giả với mức phí là 100.000 USD.

Đổi lại người bạn này sẽ được thường trú ở Australia, được đảm bảo mọi quyền lợi và kéo dài thời gian lao động hợp pháp, thuận tiện đi về Việt Nam thăm gia đình.

10 năm làm việc ở xứ người, anh Toàn cho biết những người nhập cư bất hợp pháp vào Australia, chính quyền sở tại không truy quét gắt gao như các nước khác. Tuy nhiên chi phí cho một suất đi Australia cao khiến các đồng nghiệp của anh đều chịu áp lực trả nợ rất lớn. Có khi họ phải dùng cả gia tài thế chấp ở ngân hàng.

Chi phí phải trả cho “tấm vé” xuất ngoại quá cao nên nhiều người chấp nhận bước chân vào con đường phạm pháp – trồng cần sa, để nhanh có tiền trả nợ và thực hiện ước vọng đổi đời.

“Không ít giáo viên tới Australia bằng mọi giá. Nhưng chuyến đi không giúp họ đổi đời mà rơi vào cảnh tù tội”, anh Toàn nói.

Sự đánh đổi sau đồng ngoại tệ

Anh Đức (47 tuổi, ở TP Hà Tĩnh) là một trường hợp như vậy. “Vào tù, tôi mới biết có nhiều người cũng từng là giáo viên như tôi, muốn làm giàu nhanh chóng nên bất chấp theo con đường phi pháp”, anh Đức mở đầu với VietNamNet về câu chuyện cuộc đời mình.

Anh Đức tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm. Trước năm 2013, anh là thầy giáo, có 10 năm dạy học ở một trường THPT. Thời điểm đó, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, anh cùng vợ (cũng là giáo viên), từ bỏ bục giảng, gửi con cho ông bà, tìm đường sang Australia.

Năm 2013, dưới danh nghĩa đi du học, vợ chồng anh tới Australia. Cũng giống như nhiều người khác, du học chỉ là vỏ bọc, khi sang đến nơi, vợ chồng anh nhanh chóng tìm việc làm.

Năm đầu lạ lẫm ở xứ người, anh chỉ chọn các công việc lao động chân tay. Thời gian đó, anh bị choáng ngợp bởi nhiều người Việt trên đất Australia sống nhàn nhã nhưng tiêu tiền không tiếc tay.

Tháng 4/2014, anh Đức bước chân vào thế giới ngầm trồng cần sa – thế giới mà những người trong cuộc dùng nhiều từ lóng để ám chỉ như “trồng cần”, “trồng cỏ”, “canh mèo” và phải dùng mọi thủ đoạn để qua mặt cảnh sát sở tại.

Những vụ đầu, anh cùng 3 người khác được chủ thuê cho các căn biệt thự cao cấp để ở và cũng chính là nơi ngụy trang để “trồng cỏ”, lợi nhuận ăn chia theo tỷ lệ chủ 70%, lao động 30%.

Trong vòng 2 năm, anh trở thành thợ trồng cần sa chuyên nghiệp, thay đổi chỗ ở liên tục, dùng nhiều mánh khóe để qua mặt cảnh sát. Lợi nhuận cao, anh kiếm rất nhiều tiền một cách dễ dàng.

Cuối năm 2015, có số tài sản kha khá, anh Đức cho vợ trở về Việt Nam để tiện chăm sóc con. Không can tâm làm thuê, anh tích lũy vốn rồi quay sang làm chủ. Thời điểm đó, anh thuê 4 căn biệt thự cao cấp để làm 4 nơi trồng cần sa.

Trong đầu người đàn ông này dự tính thu hoạch xong vụ cuối sẽ “rút chân” và trở về quê hương. Tuy nhiên, mọi việc không như mong đợi của anh Đức. Một ngày tháng 7/2017, khi anh đang thu hoạch cần sa ở căn biệt thự thứ 2, cảnh sát ập đến. Anh bị bắt giữ cùng với tang vật 64kg cần sa tươi và 150 cây cần sa đang trồng trong chậu.

“Cái ngày đen tối đó tôi không bao giờ quên. Khoảnh khắc cảnh sát dí súng lên đầu, đeo còng số 8 khiến tôi sợ hãi và hối hận tột đỉnh”, anh Đức nói.

Cái giá phải trả cho việc làm phạm pháp là 10 lần hầu tòa và 34 tháng ở trong ngục, trải qua 8 nhà tù quản chế nghiêm ngặt.

Trong những năm tháng ở tù, cảm giác cô đơn khi không một lần được người thân thăm hỏi, anh Đức càng hối hận, day dứt. Bằng mọi cách tìm đường xuất ngoại, cuối cùng anh hoàn toàn trắng tay. Càng tuyệt vọng hơn khi mái ấm gia đình anh cũng không giữ được. Năm 2020, anh ra tù và trở về quê hương với tư cách là một công dân Việt Nam bị trục xuất về nước.

Anh Đức tâm sự, nỗi đau lớn nhất là 7 năm xa xứ, anh phải đánh đổi không được chứng kiến tuổi thơ của các con. Các con anh thiếu đi tình thương, sự dạy bảo của người cha. Nhưng cuối cùng khi về quê, gia đình tan vỡ, anh vẫn không cho các con được một mái ấm trọn vẹn.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2022 – 2023, toàn quốc có 9.295 giáo viên nghỉ việc. Trước đó, năm học 2021-2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Trong báo cáo gửi các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.

“Giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”, ông Sơn phân tích.

Mặt khác, sự phát triển của các thành phần kinh tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm khác cho đội ngũ giáo viên.

Thêm vào đó, một số cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý, áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn.

Từ đó, ông Sơn đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Ông cũng đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Tên nhân vật đã được thay đổi

Đậu Tình

 Nguồn VietnamNet

Nỗi day dứt của thầy giáo đi xuất khẩu lao động, lâm vào cảnh tù đày ở xứ người

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyển lên trên