Khởi sắc thị trường xuất khẩu lao động

Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Song, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, năm 2021 toàn tỉnh đã đưa được 6.030 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Một số thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động là: Đài Loan 1.925 người, Nhật Bản 1.252 người; Rumania 284 người; Ả-rập Xê-út 280 người; Hàn Quốc 250 người… Số tiền người lao động gửi về nước khoảng 90 triệu USD. Từ nguồn ngoại tệ gửi về, nhiều gia đình đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao cả về tay nghề và ngoại ngữ. Khi về nước dễ tìm kiếm được việc làm tại các doanh nghiệp liên doanh với thu nhập cao, ổn định.

Bước sang năm 2022, thách thức đi kèm với cơ hội bởi hiện các nước trên thế giới đã chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”. Cơ hội đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động đang dần hé mở. Thực tế cho thấy ngay từ những ngày đầu năm, một số thị trường đã có tín hiệu tích cực như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao từ Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người lao động Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ của mình với 2 thị trường truyền thống.

Bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Công ty CP Nhân lực Tadashi, đơn vị chuyên tư vấn, tuyển sinh và đào tạo đưa lao động sang Nhật Bản học tập, làm việc theo diện thực tập sinh và du học sinh, chia sẻ: Sau một thời dài siết chặt để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 1-3 vừa qua Nhật Bản bắt đầu mở cửa đón lao động ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang rất “khát” lao động. Mức lương cơ bản cũng khá tốt, tương đương từ 33 đến 38 triệu đồng/người/tháng. Nguồn cung lao động của Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng khá tiềm năng. Người lao động lại chăm chỉ, siêng năng, chịu khó. Hơn nữa, Việt Nam là nước phòng, chống dịch COVID-19 khá tốt nên thủ tục nhập cảnh cũng dễ dàng hơn. Một thuận lợi nữa cho người lao động Việt Nam là sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng 3 năm sẽ được gia hạn thêm từ 2 đến 5 năm theo chương trình Tokutei. Khi về nước, người lao động dễ tìm kiếm được việc làm bởi Nhật Bản đang đầu tư rất nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó có Thanh Hóa.

Theo các chuyên gia lĩnh vực XKLĐ, sang Nhật Bản làm việc, người lao động sẽ có cơ hội học hỏi kỹ thuật tiên tiến, trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp của một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và có mức thu nhập tương xứng. Thị trường Đài Loan cũng khá hấp dẫn người lao động bởi điều kiện tuyển có phần “dễ tính” hơn so với các thị trường khác. Người lao động tham gia thị trường này chỉ cần đáp ứng được các điều kiện về tuổi tác, sức khỏe. Thậm chí nhiều đơn hàng không đòi hỏi yêu cầu về tay nghề. Chi phí sang Đài Loan cũng thấp hơn nhiều so với Nhật Bản hay Hàn Quốc nhưng mức lương cơ bản cũng tương đương 20,3 triệu đồng/người/tháng. Thêm vào các thị trường khởi sắc là thị trường Cộng hòa liên bang Đức đang có nhu cầu tuyển chọn nhiều nhân lực ngành điều dưỡng từ Việt Nam. Hay các thị trường khác như Singapore, Đài Loan, Ba Lan, Hungary, Rumani, Úc cũng đang thiếu trầm trọng nguồn lao động ở tất cả các ngành nghề sau dịch COVID-19.

Nắm bắt cơ hội, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã tăng cường lãnh, chỉ đạo đối với công tác XKLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động XKLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động nắm rõ thông tin thị trường lao động ngoài nước. Lựa chọn doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, được phép tuyển dụng lao động xuất khẩu có các đơn hàng phù hợp với nhu cầu người lao động tham gia tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Yêu cầu các doanh nghiệp công khai đầy đủ, chính xác, minh bạch các khoản chi phí, đóng góp cũng như tiền lương, thu nhập và các quyền lợi của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường mới, ổn định, có thu nhập cao. Giảm tuyển lao động theo các đơn hàng, hợp đồng có thu nhập thấp, việc làm không ổn định. Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho vay XKLĐ, ưu tiên các đối tượng thuộc gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo tăng số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc sở để tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối cung – cầu lao động. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động XKLĐ. Biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt trong công tác XKLĐ, để hoạt động XKLĐ của tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Bài và ảnh: Mai Phương/Báo Thanh Hóa

Khởi sắc thị trường xuất khẩu lao động
Chuyển lên trên