Chi phí xuất khẩu lao động (XKLĐ) thấp, mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, dễ hòa nhập. Đồng thời làm việc tại Hàn Quốc, người lao động học được tính kỷ luật cao, có tay nghề vững, khi về nước dễ tìm được việc làm… chính là lý do nhiều lao động Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng lựa chọn XKLĐ thị trường Hàn Quốc.
Đổi đời nhờ XKLĐ
Là thành viên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, muốn đổi đời, cải thiện cuộc sống, năm 2008, anh Nguyễn Trí Sơn ở xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân quyết định lựa chọn thị trường Hàn Quốc để đi XKLĐ. Do có tay nghề, thạo tiếng Hàn nên sau một thời gian ngắn làm trong ngành du lịch bóng golf, anh chuyển sang ngành công nghệ ô tô với thu nhập 50 triệu đồng/tháng. Theo anh Sơn, ngoài lương, chế độ đãi ngộ cho lao động ngoài nước cũng rất tốt, công việc, thu nhập ổn định. Người Hàn Quốc cũng rất quý trọng, không đối xử phân biệt với lao động ngoài nước. Hơn nữa, làm việc tại Hàn Quốc anh học được tính kỷ luật, tay nghề được nâng cao. Sau khi hết hạn hợp đồng về nước có một khoản tiền lớn mua đất, xây nhà, mở đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, đồ điện lạnh, điện nước… Kinh doanh thuận lợi, anh tậu thêm đất, xe ô tô và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ anh em, họ hàng khi cần thiết.
Cũng từ nguồn tiền tích cóp trong thời gian đi XKLĐ mà vợ chồng anh Lê Trần Trung và chị Nguyễn Thị Tình ở xã Đông Minh, huyện Đông Sơn mua được cả nghìn mét vuông đất mặt đường Quốc lộ 47 để xây nhà, trang sắm máy móc, thiết bị hiện đại, mở xưởng in, xưởng rèn, công ty để sản xuất, kinh doanh. Anh Trung chia sẻ: Sau thời gian làm công nhân ở công ty in và quảng cáo bên Hàn Quốc tôi đã học hỏi, đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm. Về nước vừa có vốn, vừa có kinh nghiệm nên việc kinh doanh cũng tương đối thuận lợi.
Những tín hiệu vui
Là tỉnh có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đứng top đầu ở Việt Nam, mỗi năm Thanh Hóa có trên 10.000 người đi làm việc ở nước ngoài, chiếm gần 1/10 lao động của cả nước. Năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Song, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh đã đưa được 6.030 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Riêng thị trường Hàn Quốc, mỗi năm Thanh Hóa có khoảng trên 1.000 lao động tham gia. Nhất là từ khi có chủ trương thực hiện đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, số lao động của tỉnh đi làm việc ở Hàn Quốc tăng cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, số tiền người lao động làm việc tại Hàn Quốc gửi về chiếm 35% tổng số tiền lao động làm việc ngoài nước gửi về. XKLĐ đã góp phần hiệu quả vào công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường Hàn Quốc được nhiều người lao động lựa chọn bởi đây là nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất, nhì châu Á. Theo đó người lao động sẽ có nhiều việc làm và cơ hội tiếp cận công nghệ, trang thiết bị hiện đại. Mức lương lại khá cao, chủ sử dụng lao động cũng rất thích sự cần cù, chịu khó, siêng năng của lao động Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung. Sau khi về nước người lao động dễ tìm kiếm được việc làm. Đặc biệt, từ khi thực hiện việc ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, cùng với các văn bản hướng dẫn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân gia đình có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp tham gia đi làm việc có thời hạn tại thị trường Hàn Quốc.
Tuy có nhiều ưu điểm, thuận lợi là thế, song người lao động tham gia XKLĐ thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS phải trải qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Kết quả kỳ thi chỉ có thời hạn 2 năm, nếu người lao động không được lựa chọn mà còn nguyện vọng thì phải đăng ký thi lại. Người lao động sau khi hết hạn hợp đồng trở về nước thu nhập giảm sút. Trong khi nhiều doanh nghiệp nước sở tại vẫn sử dụng lao động bất hợp pháp… Do đó, một bộ phận người lao động ý thức kém đã ở lại cư trú, lao động bất hợp pháp, buộc phía Hàn Quốc phải tạm dừng tuyển lao động một số địa phương cộng với tình hình dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều lao động trong tỉnh muốn sang Hàn Quốc làm việc, kể cả làm nông nghiệp thời vụ không đạt theo nguyện vọng.
Năm 2022, Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động ngoài nước theo chương trình EPS ở mức 59.000 người, tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021. Đây là cơ hội tốt đối với trên 2.000 người lao động Thanh Hóa đã hoàn chỉnh hồ sơ nhưng chưa xuất cảnh được do dịch bệnh COVID-19 và hàng nghìn lao động khác có nhu cầu đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc.