Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Việc làm diễn ra chiều 5/1/2023
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Thị Quyên cho biết, năm 2022, Cục Việc làm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Về cơ bản, Cục đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ của Chính phủ, của Bộ giao.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dự kiến cả năm 2022 <4% (đạt kế hoạch đề ra).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 dự kiến là 67% (đạt so với kế hoạch đề ra), tăng 1% so với năm 2021; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ dự kiến là 27% (đạt so với kế hoạch đề ra cả năm 2022 là 27-27,5%), tăng 0,9% so với năm 2021.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”: đến hết 30/9/2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14,022 triệu người, chiếm trên 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng hợp kết quả cho vay tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác, theo báo cáo từ NHCSXH 9 tháng đầu năm 2022, chính sách vay vốn đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 657.980 người lao động.
Thị trường lao động Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn còn bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng mức độ đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện.
Bên cạnh những “điểm sáng”, theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm thì tình hình thị trường lao động có nhiều biến động, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động cả nước: doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, phá sản, giải thể dẫn đến một lượng lớn người lao động phải nghỉ việc, mất việc làm.Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế: tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; thông tin thị trường lao động thiếu và bị chia cắt.
Nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ ‘hiện đại’, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Việc kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề; tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước; cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được cập nhật thường xuyên, có độ trễ lớn. Chất lượng việc làm thấp, lao động tự làm, lao động gia đình không hưởng lương với đặc trưng là việc làm không bền vững và dễ bị tổn thương, vẫn là nhóm lao động lớn của của nền kinh tế, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức lớn…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả mà Cục Việc làm đã đạt được trong năm 2022. Cục đã làm tốt công tác tham mưu cho Bộ, Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, các nhiệm vụ khác như: phát triển thị trường lao động, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hồ sơ Luật việc làm (sửa đổi), kháo sát tình hình lao động mất việc làm… cũng được Cục triển khai rất tích cực trong năm 2022.
“Nhiều thời điểm khó khăn, thực tiễn đòi hỏi các giải pháp cấp bách, lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Cục Việc làm đã đoàn kết, cùng nhau vượt qua các thử thách để tham mưu cho Bộ, tham mưu Chính phủ các quyết sách lớn cho hàng triệu lao động. Nhiều nội dung tham mưu khó, cấp bách, như hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được ghi nhận, đánh giá cao”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, bên cạnh những kết quả đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà Cục Việc làm cần khắc phục trong thời gian tới, đó là khả năng dự báo về thị trường lao động, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các nhiệm vụ của Cục…
Về nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn manh Cục Việc làm cần “mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn, chủ động hơn trong công tác tham mưu, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là phản ứng chính sách”. Cục cần chủ động, bám sát thực tiễn trong công tác tham mưu cho Bộ để Bộ có những quyết sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiệu quả nhất. Đặc biệt, cần tập trung hơn nữa trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật Việc làm (sửa đổi), đảm bảo đúng tiến độ được giao.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng lưu ý, Cục Việc làm cần củng cố hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động. Đây là một điểm yếu cần sớm được khắc phục để đảm báo nắm bắt được tình hình thị trường tốt hơn, có những tham mưu kịp thời hơn. Đồng thời, quan tâm hơn nữa tới việc phát triển, gắn kết hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố thành một hệ thống kết nối với nhau chặt chẽ, thông suốt, góp phần hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động và điều phối hoạt động của thị trường một cách thiết thực, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình khẳng định, Cục Việc làm sẽ quyết liệt hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ năm 2023, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và sự hợp tác, của các đơn vị trong Bộ hỗ trợ Cục Việc làm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, theo số liệu báo cáo của các Trung tâm dịch vụ việc làm, tính đến ngày 18/11/2022 (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 18/11/2022): Số người đến nộp hồ sơ hưởng TCTN là 889.011 người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 (688.972 người); Số người có quyết định hưởng TCTN: 879.557 người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021 (678.247 người); Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm: 1.892.271 lượt người, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021 (1.512.208 lượt người) 1.986.346 lượt người tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2021 (1.579.654 lượt người); Số người được hỗ trợ học nghề là 19.526 người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2021 (16.185 người).
Về lĩnh vực quản lý lao động, tính đến tháng 12 năm 2022 cả nước có 119.656 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó: Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9.220 người (chiếm 7,7% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam); Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 110.436 (chiếm 92,3%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 80.568 người và gia hạn cho 14.050 lao động, cấp lại cho 8.850 người số còn lại 6.968 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Hà Phương
Theo Hà Phương – Nguồn Dân Sinh