Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động

Thời gian qua, lợi dụng nhu cầu của người đi xuất khẩu lao động gia tăng, nhiều cá nhân, tổ chức đã tiếp cận đưa ra hứa hẹn về cách ra nước ngoài làm việc với chi phí rẻ, lương cao, đi dễ, làm visa bao đậu,… để lừa đảo. Nhiều người phải vay tiền để đi nhưng đợi mãi không được xuất cảnh, cũng có trường hợp được đi nhưng khi đến xứ người mới biết không như tư vấn.

Trên nhóm Bóc phốt XKLĐ & Du học nghề – Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động có hơn 33 ngàn thành viên, nhóm Phốt lừa đảo xuất khẩu lao động có gần 10 ngàn thành viên và nhiều nhóm bóc phốt xuất khẩu lao động khác, nhiều người đã đăng tải thông tin kèm hình ảnh thể hiện sự bức xúc đối với các cá nhân, công ty lừa đảo trong lĩnh vực này. Không ít người phản ánh, được công ty tư vấn nói rằng khi sang nước ngoài sẽ có mức lương từ 25 – 35 triệu đồng, nhưng khi sang đến nơi lương thấp chỉ bằng một nửa.

Anh Nguyễn Văn Dũng (quê ở Hà Tĩnh) cho hay, anh bị lừa đảo bởi một công ty có địa chỉ tại đường số 49, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Anh Dũng ký hợp đồng du học nghề ngày 15/5/2023 với số tiền lần 1 là 142 triệu đồng, nhưng hơn 1 năm ròng rã sau khi ký hợp đồng vẫn không có lớp học nghề, nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho nhân viên công ty vẫn không trả lời.

Chị Phương cũng ở Hà Tĩnh cho biết, làm hồ sơ đi Canada theo diện hợp đồng chủ bảo lãnh trồng nấm trong nhà kính, một công ty ở đường Kinh Dương Vương, Đà Nẵng cam kết từ 4 – 6 tháng được xuất cảnh. Chị đã đặt cọc hơn 200 triệu đồng, nhưng đến nay hơn 1 năm vẫn không đi được, công ty này hẹn 3 tháng sau trả lại tiền nhưng không trả và hiện không liên lạc được.

Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động -0
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang tống đạt các quyết định tố tụng đối với Lê Thị Kim Quyên.

Nhiều người dân thiếu thông tin, mong muốn xuất khẩu lao động thủ tục đơn giản, sang nước ngoài làm việc nhẹ lương cao, chi phí thấp. Do đó đã tìm đến các cá nhân và công ty môi giới mà không tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan, nên dễ dàng rơi vào bẫy của bọn lừa đảo.

Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Cao Thị Thu Hà (SN 1986) và Cao Thị Thu Hiền (SN 1978, cùng ngụ thị xã Trảng Bàng) để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Năm 2015, Hà thành lập và trực tiếp quản lý điều hành hoạt động Công ty Cổ phần cung ứng lao động và thương mại Haruco để nhận làm hồ sơ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc. Đến tháng 3/2019, Hà giao cho Hiền quản lý hoạt động công ty. Từ ngày 22/3/2018 đến 30/11/2019, dù công ty không có chức năng đưa người đi lao động tại Nhật Bản nhưng Hà và Hiền đã tư vấn, nhận làm thủ tục cho 14 trường hợp, thu tiền tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng nhưng không thực hiện thủ tục xuất cảnh đúng thời hạn cam kết…

Còn ngày 14/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang bắt tạm giam và khám xét chỗ ở đối với Lê Thị Kim Quyên (SN 1985, trú tỉnh Tây Ninh), Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục JINJU để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động với ngành nghề đã đăng ký và bản thân không có khả năng thực hiện các thủ tục, hồ sơ cấp visa đưa người Việt Nam sang Hàn Quốc lao động theo diện thời vụ, bảo lãnh người thân, đăng ký kết hôn… nhưng Quyên vẫn đăng thông tin quảng cáo trên mạng xã hội. Từ tháng 12/2023 đến 03/2024, Quyên đại diện công ty ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp đồng miệng với 48 trường hợp, nhận tiền cọc tổng cộng gần 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Quyên không thực hiện đúng hợp đồng, chiếm đoạt tiền và công ty cũng ngừng hoạt động nên khách hàng tố cáo đối tượng đến cơ quan Công an.

Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố có 56 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn thành phố và 16 chi nhánh công ty có trụ sở chính tại các tỉnh, thành phố khác.

Trong thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH nhận được một số phản ánh về các tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn, giới thiệu đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, một số cá nhân có nhu cầu ra nước ngoài làm việc đã liên hệ với các tổ chức không có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện các hợp đồng dịch vụ, tư vấn. Qua các thông tin phản ánh, phần lớn người lao động ký hợp đồng tư vấn, dịch vụ với các nội dung thỏa thuận dễ đánh lừa, nhầm tưởng là đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, bản chất của sự việc là tư vấn, giới thiệu cho người lao động xin thủ tục nhập cảnh các nước để làm việc theo hình thức cá nhân (giới thiệu các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài đang có nhu cầu tiếp nhận lao động để hướng người lao động tự thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng lao động) hoặc theo hình thức du học kết hợp làm việc…

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng nhận được đề nghị của cơ quan Cảnh sát điều tra và người lao động đề nghị cung cấp thông tin về chức năng, giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của một số công ty.

Để không xảy ra tình trạng nêu trên, người lao động cần chú ý một số thông tin như sau: Về các chương trình do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH triển khai thực hiện: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS); Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; Chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản; Chương trình đưa người lao động đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa; Chương trình đi làm việc tại Đài Loan. Các chương trình được đăng tải trên website của Trung tâm Lao động ngoài nước theo địa chỉ www.colab.gov.vn.

Về nhận diện các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động. Do đó, người lao động cần chủ động tìm hiểu trước thông tin về đơn vị đang thực hiện quảng cáo và đối chiếu với danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH (http://www.dolab.gov.vn) hoặc Sở LĐ-TB&XH.

Rà soát kỹ nội dung trên hợp đồng dịch vụ giữa các bên trước khi ký kết, phải có đầy đủ thông tin về quyền và trách nhiệm của các bên, nội dung công việc, chi phí. Hiện nay, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có mức thu các khoản chi phí cho các hoạt động chuẩn bị cũng như đi làm việc ở nước ngoài như đào tạo ngoại ngữ, khám sức khỏe, làm visa, vé máy bay và một số chi phí khác, tuy nhiên mức phí dao động từ 78 triệu đồng đến 120 triệu đồng, tùy từng thị trường tiếp nhận lao động.

Trong trường hợp không rõ thông tin, người lao động chủ động liên hệ với Sở LĐ-TB&XH hoặc Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, TP Thủ Đức để trao đổi và được cung cấp thông tin đầy đủ. Khi phát hiện các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Theo Nguyễn Cảnh

Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động
Chuyển lên trên